Sáng nay, 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số nội dung khác.
Tập trung tuyên truyền để đưa pháp luật đi vào cuộc sống
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, về nội dung thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế – xã hội một cách toàn diện.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 18/129 văn bản dưới luật chưa được ban hành, một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật.
Để đảm bảo thực thi pháp luật một cách hiệu quả, Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện đồng bộ khi các luật có hiệu lực.
Xem thêm>>>Bám sát thực tiễn theo yêu cầu của Đề án 06 trong rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Đồng thời, tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Bởi, theo Đại biểu, thời gian qua, công tác này còn hạn chế, cán bộ chưa nắm vững pháp luật lại hỏi cấp trên, cấp trên trả lời chung chung là theo quy định pháp luật; người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đầy đủ; công tác phối hợp chưa chặt chẽ.
“Do đó, luật liên quan đến bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải chủ trì, cùng Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật các cấp địa phương để tuyên truyền, tập huấn kịp thời để đưa pháp luật đi vào cuộc sống”, Đại biểu nói.
Lưu ý tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ sửa đổi nhiều luật mà trọng tâm là phân cấp, phân quyền cho cấp dưới nhưng theo đánh giá, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất, Đại biểu đề nghị phải nâng cao năng lực thực thi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quyền; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và xử lý trách nhiệm.
Hạn chế tối đa ban hành thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ về thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga dẫn báo cáo của Chính phủ cho hay, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát), một con số rất lớn.
“Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Đại biểu nói.
Theo Đại biểu, con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tính hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học; nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.
Để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, Đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp các ý kiến góp ý.